Chiến tranh Chiến_tranh_Nga_–_Nhật

Đại Mãn Châu gồm Mãn Châu thuộc nhà Thanh (màu đỏ) và Mãn Châu thuộc Nga (màu hồng)

Tuyên chiến

Nhật Bản tuyên chiến ngày 8 tháng 2 năm 1904 nhưng vì phương tiện thông tin hạn chế nên khi quân Nhật khai hỏa tấn công Hạm đội Viễn Đông của Nga tại cảng Lữ Thuận thì Nga triều vẫn không biết gì cả. Ba tiếng đồng hồ sau bên Sankt-Peterburg mới nhận được tin. Sa hoàng Nikolai II sững sờ vì không ngờ Nhật Bản lại dám gây hấn. Hơn nữa, bấy lâu các bộ trưởng của Nga vẫn cho rằng Nhật Bản sẽ không đánh. Tám ngày sau, Nga chính thức tuyên chiến với Nhật.[12] Lúc bấy giờ thông lệ tuyên chiến trước khi lâm chiến chưa định chế trong luật pháp quốc tế nên về pháp lý hai nước không vi phạm điều khoản gì cả. Thông lệ tuyên chiến được các nước chấp thuận kể từ tháng 10 năm 1907 và chính thức có hiệu lực từ ngày 26 tháng 1 năm 1910[13]

Nước Montenegro ở vùng Balkan sau đó cũng tuyên chiến với Nhật để trả ơn Nga đã giúp Montenegro chống lại Đế quốc Ottoman. Phản ứng của Montenegro chỉ là hình thức vì lý do địa lý xa xôi và binh lực nhỏ bé, chỉ hạn chế trong phạm vi một số công dân Montenegro đăng lính theo quân Nga sang Viễn Đông. Về sau, khi Nga và Nhật ký hiệp ước hòa bình, Công quốc Montenegro không được nhắc đến trong văn kiện, nên về mặt lý thuyết nước này vẫn có chiến tranh với Nhật tới hơn 100 năm. Sau khi Montenegro ly khai khỏi Serbia năm 2006, các quan chức Nhật mới đến thăm quốc gia vùng Balkan này để gửi thư tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh giữa hai nước.

Chiến dịch năm 1904

Bản đồ chiến trường trong cuộc chiến Nga-Nhật
Hải chiến cảng Lữ Thuận

Để đánh đuổi được quân Nga ở Mãn Châu, quân Nhật biết rằng phải bảo đảm được đường biển tiếp tế binh lương. Mục tiêu then chốt của chiến lược quân Nhật là phải vô hiệu hóa toàn hạm đội Nga tại cảng Lữ Thuận trên bán đảo Liêu Đông nơi quân Nga đã thiết lập một căn cứ hải quân quy mô và vững chắc.

Nửa đêm 8 Tháng 2 năm 1904 sang sáng ngày mồng 9, Hạm đội Nhật Bản của Đô đốc Tōgō Heihachirō khai chiến bằng cách bắn ngư lôi tới tấp vào đoàn tàu Nga ở Lữ Thuận. Một số tàu chiến Nga bị hư hại nặng, trong đó có tuần dương hạm Pallada, Thiết giáp hạm TsesarevichThiết giáp hạm Retvizan. Pallada là tuần dương hạm với giãn nước 6.600 tấn, còn hai chiếc Tsesarevich và Retvizan là hai con tàu chiến lớn nhất của Nga ở Viễn Đông[14] Hai bên nã súng bắn đến sáng hôm sau vẫn bất phân thắng bại. Hải quân Nhật tuy có ưu thế nhưng không thể tiến gần vì súng đại bác của Nga trên bờ bắn trả dữ dội. Quân Nga thì tuy giữ vững được các vị trí nhưng đoàn chiến thuyền bị cầm chân ở Lữ Thuận. Đêm 24 Tháng 2 Nhật phái bốn tàu hàng cũ vào cửa Lữ Thuận rồi khai hỏa đánh chìm cả bốn với chủ ý làm nghẽn cửa biển. Sự việc thất bại nhưng cũng đủ buộc quân Nga dồn sức lực vào việc phòng thủ. Ngày 13 Tháng Tư Phó Đề đốc Stepan Makarov đổi chiến thuật, chỉ huy kỳ hạm Petropavlosk cho nổi lửa ra khơi định đuổi theo tàu Nhật nhưng chưa đi được bao xa thì trúng phải thủy lôi rồi chìm. Makarov chết theo tàu. Quân Nga từ đấy ở nguyên trong cảng và không dám ra nghênh chiến nữa.[5]

Dù không chiếm được Lữ Thuận ngay đầu năm 1904, quân Nhật đã vô hiệu hóa hải lực của Nga bằng cách một mặt bổ vây số chiến hạm còn lại ở Vladivostok không cho ra khơi cứu viện,[15] một mặt tiêu diệt số thuyền còn lại của Nga đang di chuyển ở biển Hoàng Hải như hai chiến thuyền Variag và Korietz của Nga neo ở Nhân Xuyên. Tàu Variag bị bắn bốc hỏa cháy rụi còn tàu Korietz trúng pháo hư nặng. Không muốn quân Nhật đoạt được tàu, lính Nga nổi lửa đốt tàu rồi tháo chạy.[5]

Quân Nhật lợi dụng thời cơ đổ bộ xuống Nhân Xuyên rồi từ đó kéo lên chiếm Hán Thành ngày 9 Tháng Hai.[5] Chỉ trong hai tháng quân Nhật đã kiểm soát được toàn phần nước Triều Tiên. Triều đình Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ mọi hiệp ước với Nga.[5] Đến cuối Tháng Tư thì Quân đoàn 1 Lục quân Đế quốc Nhật Bản do Đại tướng Kuroki Tamemoto chỉ huy đã chuẩn bị xong binh ngũ sẵn sàng vượt sông Áp Lục đánh vào Mãn Châu.

Bộ binh Nhật tiến vào Mãn Châu

Ngược lại với chiến lược nhanh chóng chiếm lĩnh chiến trường để kiểm soát Mãn Châu của Nhật, chiến lược của Nga tập trung vào việc tránh giao chiến để có thời gian đợi quân tiếp viện tới nơi qua tuyến đường sắt xuyên Siberi, khi đó vẫn chưa hoàn thành đoạn gần Irkutsk.

Ngày 9 Tháng Tư 1904, quân Nga rút khỏi Triều Tiên để củng cố các vị trí phía bắc sông Áp Lục. Ngày 5 Tháng Năm hai bên giao chiến ở gần Wiju (Nghĩa Châu). Quân Nhật với ưu thế pháo lực buộc tướng Mikhail Zasulich thoái binh, kéo về bắc phòng thủ các binh đồn giữa Wiju và Liaoyang nơi Kuropatkin đặt bản doanh với 80.000 quân. Mặt trận trải rộng với 150.000 quân Nhật tiến lên trực chỉ lưu vực sông Liêu.[5]

Ngày 1 tháng 5 năm 1904, Trận sông Áp Lục trở thành trận chiến lớn đầu tiên trên đất liền, khi quân Nhật đột chiếm các vị trí của quân Nga sau khi vượt sông mà không gặp sự kháng cự nào. Quân Nhật tiếp tục đổ bộ xuống nhiều điểm quan trọng tại bờ biển Mãn Châu, và trong một chuỗi các cuộc đụng độ, đã đẩy lùi quân Nga về phía cảng Lữ Thuận. Những trận đánh này, bao gồm trận Nashan ngày 25 tháng 5 năm 1904, được đánh dấu bằng thiệt hại nặng của quân Nhật khi tấn công vào các đường hào của quân Nga, nhưng quân Nga vẫn duy trì sự tập trung vào phòng ngự và không phản công.

Hải quân Nhật vây cảng Lữ Thuận

Quân Nhật cố ngăn cản quân Nga sử dụng cảng Lữ Thuận. Trong đêm 12-14 tháng 2, quân Nhật cố phong tỏa luồng vào cảng Lữ Thuận bằng cách đánh chìm vài tàu hơi nước đầy xi măng tại tuyến nước sâu vào cảng, nhưng họ đánh chìm quá sâu nên không hiệu quả. Một cố gắng tương tự để phong tỏa đường vào cảng trong đêm ngày 3-4 tháng 5 cũng thất bại. Tháng 3, Phó Đô đốc có uy tín Makarov được bổ nhiệm làm chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương với ý định phá vỡ sự phong tỏa tại cảng Lữ Thuận.

Ngày 12 tháng 4 năm 1904, 2 chiếc Thiết giáp hạm tiền-dreadnought là kỳ hạm PetropavlovskPobeda lẻn ra khỏi cảng nhưng vướng phải thủy lôi Nhật Bản ngoài cảng Lữ Thuận. Chiếc Petropavlovsk chìm ngay tức khắc, trong khi chiếc Pobeda phải kéo về cảng và phải tu sửa nặng. Đô đốc Makarov, nhà chiến lược tài năng duy nhất của Nga trong chiến tranh, tử trận trên tàu Petropavlovsk.

Người Nga không lâu sau cũng sử dụng chiến thuật dùng thủy lôi. Ngày 15 tháng 5 năm 1904, 2 thiết giáp hạm Nhật Bản, YashimaHatsuse, bị nhử vào một bãi thủy lôi của Nga ở gần cảng Lữ Thuận, mỗi chiếc trúng ít nhất 2 trái thủy lôi. Chiếc Hatsuse chìm chỉ trong vài phút, mang theo 450 thủy thủ, trong khi chiếc Yashima bị chìm trong khi được kéo về Triều Tiên để sửa chữa. Đây là tổn thất nặng cho Nhật vì toàn bộ Hải quân Nhật khi đó chỉ có 6 thiết giáp hạm trong biên chế, mất 2 chiếc là tương đương 1/3 lực lượng. Việc 2 thiết giáp hạm bị mất được Nhật Bản giấu kín trong suốt thời gian chiến tranh do không muốn làm sụt giảm tinh thần của binh sỹ và công luận.

Bắn phá trong Cuộc vây hãm cảng Lữ Thuận

Ngày 23 tháng 6 năm 1904, nỗ lực phá vây của hạm đội Nga, bây giờ dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Wilgelm Vitgeft thất bại. Cho đến cuối tháng, pháo binh Nhật Bản liên tục pháo kích vào cảng.

Nhật Bản bắt đầu Cuộc vây hãm cảng Lữ Thuận. Ngày 10 tháng 8 năm 1904, Hạm đội Nga lại một lần nữa cố gắng phá vây và tiến đến Vladivostok, nhưng khi ra được biển khơi thì chạm trán với đội thiết giáp hạm của Đô đốc Togo. Người Nga thường gọi đây là Trận ngày 10 tháng 8, nhưng thông thường, nó được gọi là Hải chiến Hoàng Hải, các thiết giáp hạm từ hai phía liên tục khai hỏa. Trận đánh này là một yếu tố quyết định chiến trường, mặc dù Đô đốc Togo biết một đội thiết giáp hạm Nga khác sẽ sớm được gửi đến Thái Bình Dương. Quân Nhật chỉ có một đội thiết giáp hạm và Togo đã mất hai thiết giáp hạm vì thủy lôi của Nga. Các thiết giáp hạm Nga và Nhật tiếp tục đấu súng, cho đến khi kỳ hạm của quân Nga, chiếc Thiết giáp hạm Nga Tsesarevich bị bắn trực diện vào cầu tàu, giết chết Tư lệnh hạm đội, Đô đốc Vitgeft. Đến lúc này, Hạm đội Nga quay đầu lại và chạy về cảng Lữ Thuận. Mặc dù không có thuyền chiến nào bị chìm trong trận này, quân Nga bây giờ lại trở về cảng và hải quân Nhật vẫn còn thiết giáp hạm để đối đầu với hạm đội Nga khi nó tới nơi.

Vây hãm Lữ Thuận trên bộ
Quân Nga cố thủ trước sự tấn công của quân Nhật, 1904

Trong khi chiến thuyền thuyền Nhật vây quân Nga ở mặt biển, bộ binh Nhật thuộc Quân đoàn 2 của tướng Oku Yasukata đổ bộ ở ở Pitzuwo (nay là Bikouzhen tức "Bì Khẩu Trấn"), ngày 5 Tháng Năm, chỉ cách Lữ Thuận 60 dặm về phía đông bắc,[16] đánh Newchang (Ngưu Trang) và Kenchou (Kim Châu), rồi kéo xuống vây Lữ Thuận trên bộ, cắt đứt liên lạc giữa bộ binh Nga ở Liêu Dương và hải quân ở Lữ Thuận. Suốt năm tháng trời từ Tháng Tám 1904 đến Tháng Giêng 1905, vòng vây siết chặt dần với 95.000 quân Nhật bao vây hơn ba vạn quân Nga.[5]

Nỗ lực giải vây cho thành phố bằng đường bộ của Nga đã thất bại, và sau trận Liêu Dương vào cuối tháng 8, quân Nga càng rút lui lên phía bắc đến Thẩm Dương, cách Lữ Thuận hơn 400 cây số.

Quân Nga cố phòng thủ bằng cách gắng giữ các ngọn đồi cao. Cả hai bên đào chiến hào tổng cộng hơn 75 cây số để lấn từng tấc đất một. Cao điểm 203 là mục tiêu quan trọng với địa thể bao quát để khống chế Lữ Thuận. Quân Nhật dùng màn đêm xông lên tấn công cao điểm 203 liên tiếp trong khi quân Nga dùng đèn pha rọi xuống để bắn trả. Số tử vong để chiếm ngọn đồi đó là hơn 14.000 lính Nhật trong khi quân Nga mất 5.000 người để cố giữ vị trí đó. Cuối cùng đồi 203 thất thủ. Quân Nhật dùng cao độ đó đặt trọng pháo 280 ly bắn xuống quân cảng của Nga phá nát tuyến phòng thủ và tàu bè trong bến. Chiến thuyền duy nhất nguyên vẹn còn lại của Nga là Sevastopol đang neo ở bến trúng pháo và chìm ngay tại chỗ. Mất toàn thể hạm đội, tuy còn 33.000 binh trong thành, tướng Anatoly Stessel ra lệnh đầu hàng quân Nhật vì nghĩ rằng giá trị quân cảng Lữ Thuận kể như là số không khi Nga không còn tàu chiến. Đó là ngày 2 Tháng Giêng 1905; cả thế giới kinh ngạc khi nghe tin hải quân Nga đầu hàng.[17]

Lộ trình đi và về của Hạm đội Baltic.
Hạm đội Baltic lên đường giải cứu

Trong khi cả thủy lẫn bộ binh quân Nga ở Viễn Đông đều bị quân Nhật cầm chân, Nga triều tìm cách gửi Hạm đội Baltic dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky từ Bắc Âu xuống châu Phi, đi vòng Hảo Vọng giác, lên Ấn Độ Dương qua Đông Nam Á để đến Trung Hoa hầu giải vây và tiếp tế căn cứ Lữ Thuận. Vì đường xa, giải pháp gửi Hạm đội Baltic sớm nhất ước tính phải mất hơn sáu tháng, tức khoảng tháng 5 năm 1905 mới có mặt ở Lữ Thuận được.

Trên chặng đường dài sang Viễn Đông, ngày 21 tháng 10 năm 1904 đoàn chiến thuyền gặp trở ngại khi tiến gần lãnh hải Vương quốc Anh. Quân Nga nổ súng lầm bắn vào một thuyền đánh cá của Anh vì tưởng rằng đó là thuyền phóng lôi của quân Nhật. Tàu cá Crane bị bắn chìm. Hai công dân Anh tử nạn, sáu người bị thương. Trong màn đêm mờ mịt sương mù tàu Nga còn khai hỏa bắn lầm cả nhau khiến hai quân nhân Nga tử thương. Tháng 11, 1904 Chính phủ Anh chính thức khiển trách Nga triều và đòi mở cuộc điều tra qua Công ước Den Haag với Ủy hội quốc tế. Nga thuận trả £66,000 để bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Chiến dịch năm 1905

Chiến trận mùa đông
Quân lính Nga rút khỏi Phụng Thiên sau khi thất trậnHình minh họa cuộc tấn công của quân Nhật trong trận Phụng Thiên.

Mất Lữ Thuận, lực lượng quân Nga bấy giờ chỉ còn bộ binh ở mạn Liêu Dương. Quân đoàn 3 của tướng Kuroki chuyển hướng trực chỉ Phụng Thiên nơi quân Nga vẫn trấn giữ. Vừa lúc đó trời lập đông, cơn lạnh băng giá buộc cả hai phe Nhật và Nga và hoãn binh trên một chiến tuyến dài 110 km phía nam Phụng Thiên.

Ngày 25 Tháng Giêng 1905 Đại tướng Oskar Grippenberg chỉ huy Quân đoàn 2 quân Nga bất ngờ mở cuộc tấn công cánh trái quân Nhật suốt bốn ngày đêm gần thị trấn Sandepu, tưởng như đâm thủng được phòng tuyến của quân Nhật nhưng rốt cuộc vì không được tiếp ứng phải bỏ lỡ. Tư lệnh Kuropatkin còn xuống lệnh thu binh nên trận giao chiến đó không đạt được mục tiêu gì cả.

Đối với quân Nhật thì việc tiêu diệt quân Nga tại Mãn Châu trở nên càng cấp bách, phải thực hiện trước khi quân tiếp viện Nga sang đến Mãn Châu bằng ngả đường sắt xuyên Siberi. Nếu không thì cán cân lực lượng sẽ nghiêng hẳn về Nga và Nhật sẽ thất thế.

Ngày 20 tháng 2 năm 1905 dù mặt đất còn phủ tuyết, quân Nhật khai hỏa trận Phụng Thiên, tấn công liên tục hai bên tả hữu của đối phương dọc phòng tuyến dài 80 km. Bên phía Nga giữ thế thủ thì thông địa đạo cố chống trả. Bên phía Nhật nắm thế công thì gắng đưa những cỗ đại bác vào vị trí để dội pháo liên hồi. Sau mấy ngày giao tranh ác liệt, phòng tuyến quân Nga bị đẩy lùi mãi ở hai đầu tuyến khiến chiến trận biến thành hình cung. Thấy nguy cơ bị bao vây, quân Nga vội rút lui tái phối trí nhưng lại bị tập hậu; cuộc thoái binh chẳng mấy chốc trở thành hỗn loạn. Ngày 10 tháng 3 năm 1905, sau ba tuần giao chiến, Đại tướng Kuropatkin quyết định bỏ Phụng Thiên lui quân và lập phòng tuyến ở phía bắc Phụng Thiên. Quân Nhật tiếp thu thủ phủ Mãn Châu cũng là cố đô của nhà Thanh.

Đội hình triệt thoái quân Nga tại Phụng Thiên tan rã nhưng vì đối phương cũng đã thấm mệt với thương vong lớn nên quân Nhật không dám dốc sức truy kích và trận Phụng Thiên không đáp ứng thắng lợi quyết liệt mà Nhật mong muốn. Chiến cuộc vẫn phải đợi lực lượng hải quân quyết định.

Chiến thắng tại Đối Mã
Bài chi tiết: Hải chiến Đối Mã
Thiết giáp hạm Nhật Bản Mikasa, kỳ hạm của Đô đốc Tōgō Heihachirō trong Hải chiến Đối Mã.

Hạm đội Baltic của Nga khi ra đến Thái Bình Dương thì được đổi tên là Hạm đội Thái Bình Dương thứ nhì. Chuyến hải hành ngót 30.000 km nếu đúng theo dự định thì sẽ kết thúc ở Lữ Thuận nhưng khi quành Hảo Vọng giác vừa đến Madagascar thì đoàn thuyền nhận được hung tin: Lữ Thuận đã thất thủ. Đô đốc Rozhestvensky phải bèn đổi hải hành, thay vì hướng tới Lữ Thuận thì chuyển đến Vladivostok (Nhật lúc bấy giờ gọi là Urajiosutoku 浦塩斯徳, âm Hán Việt: Phố Diêm Tư Đức) xa hơn. Hải lộ đi Vladivostok có ba ngả: tuyến ngắn nhất (và cũng nguy hiểm nhất) là thẳng qua Eo biển Đối Mã giữa Triều Tiên và Nhật Bản, thứ nhì là là qua eo biển Tân Khinh giữa HonshuHokkaido, và xa nhất nhưng cũng an toàn nhất là qua eo biển Tông Cốc tận phía bắc nước Nhật.

Chỉ huy hải quân Nhật là Đô đốc Togo, vì biết rằng khi đã mất Lữ Thuận, quân Nga sẽ trực chỉ Vladivostok nên lập kế chặn các ngả không cho hạm đội Nga tới đích.

Nhật ban đầu có sáu thiết giáp hạm nhưng đã mất hai vì trúng thủy lôi, chỉ còn 4. Tuy nhiên số tuần dương hạm, khu trục hạm, và thuyền phóng lôi còn khá đầy đủ. Bên Nga thì có 8 thiết giáp hạm (bốn chiếc kiểu mới lớp Borodino), cùng tuần dương hạm, khu trục hạm và các tàu tải binh lương, tổng số các loại là 38 tàu.

Cuối Tháng Năm, 1905 Hạm đội Nga tiến vào biển Hoa Đông. Trong ba lộ trình thì Rozhestvensky quyết định chọn ngả qua eo biển Đối Mã, len giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Đoàn thuyền dùng màn đêm để ẩn hình nhưng vì sơ suất một con tàu cứu thương dùng đèn nên bị lộ, liền bị chiến thuyền Shinano Maru của Nhật phát giác và báo cho thượng cấp. Bộ tư lệnh của Đô đốc Togo huy động các chiến hạm dàn quân công kích với mũi dùi chĩa vào đâm ngang đoàn thuyền của Nga. Ngày 27-28 tháng 5 hai bên giao chiến. Súng nổ vang trời, khói lửa mịt mù. Khi khói tan thì hậu quả quá rõ; hạm đội Nga gần như bị tiêu diệt: mất cả tám thiết giáp hạm không kể những binh thuyền nhỏ. Hơn 5.000 quân tử trận. Chỉ sót ba tàu Nga chạy thoát đến được Vladivostok. Trận Đối Mã quyết định cả chiến cuộc vì Nga từ đấy bị loại khỏi vòng chiến. Nga triều đành xin hòa.

Nhật chiếm Sakhalin

Trong khi chiến cuộc dần lắng xuống ở Mãn Châu thì Nhật triều triển khai kế hoạch đánh chiếm Sakhalin vì cho rằng Nga vẫn chưa bị thiệt hại gì ở trên chính lãnh thổ Nga. Bằng cách đánh thẳng vào đất Nga, Nhật muốn nắm chắc ưu thế khi ngồi vào hòa đàm nên Sư đoàn 13 Bộ binh được phái tiến chiếm Sakhalin vào đầu Tháng 7. Ngày 23 Tháng 7 thì quân Nhật chiếm được thị trấn Korsakov (Nhật gọi là Ōtomari) ở phía nam. Tàn quân Nga ra lệnh đốt sạch nhà cửa trước khi rút lui. Hai bên giao chiến ở Vladimirovka (nay là Yuzhno-Sakhalinsk, Nhật gọi là Toyohara) và đến 1 Tháng 8 thì quân Nhật hoàn tất việc chiếm đóng toàn đảo Sakhalin. Bản doanh Sư đoàn 13 đóng ở Aleksandrovsk (Otchishi).[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Nga_–_Nhật http://www.sgtt.com.vn/detail44.aspx?newsid=22076&... http://militera.lib.ru/prose/russian/stepanov1/ind... http://www.bfcollection.net/fast/rjmain.html http://www.lib.byu.edu/~rdh/wwi/1914m/portsmouth.h... http://www.russojapanesewar.com/ http://frontiers.loc.gov/intldl/mtfhtml/mfpercep/r... http://www.csmonitor.com/2005/1230/p04s01-woap.htm... http://www.upi.com/NewsTrack/Top_News/2006/06/16/m... http://montenegrina.net/pages/pages1/istorija/cg_o... http://rusnavy.com/history/hrn10-e.htm